Doanh nghiệp giảm quá nửa số máy bay
Đặt vé máy bay của Hãng Bamboo Airways từ hồi tháng 7 để về VN ăn tết sau 4 năm xa nhà,ếtnàycóthiếutàsố kết quả truyền thống chị My Nguyễn, du học sinh tại Melbourne (Úc), chưa kịp hào hứng chờ tới ngày đoàn viên thì đến ngày 24.10, chị nhận được email của hãng thông báo hủy chuyến bay, đường bay. Sau đó, theo hướng dẫn trong email, chị My 2 lần gửi thư yêu cầu hoàn tiền nhưng vẫn không nhận được phản hồi gì từ hãng. Không còn cách nào, chị My phải tìm mua vé của hãng khác và chấp nhận mức giá đắt hơn vé cũ nhiều vì đã gần tới tết.
"Đợt này du học sinh ở Melbourne lao đao nhiều. Người có điều kiện còn mua lại vé mới, chứ nhiều bạn chắc không được về luôn vì không đủ tiền mua vé mới. Giờ hãng có trả tiền lại thì giá vé các hãng khác cũng cao hơn khả năng của du học sinh rồi. Đợt trước, hãng hủy chuyến nhưng vẫn đổi cho khách sang bay hãng khác như Vietjet. Mọi người bực mình vì đổi hãng, đổi lịch nhưng ít nhất vẫn được bay về, còn đợt này hủy ngang luôn", chị My Nguyễn chia sẻ.
Chị My Nguyễn không phải trường hợp duy nhất khốn khổ vì Bamboo Airways bất ngờ hủy chuyến bay ngay trước thềm Tết Nguyên đán. Bắt đầu từ giữa tháng 10, Bamboo Airways đã dừng khai thác đường bay từ VN đi Úc, Đức, tiếp sau là Thụy Sĩ. Trong thời gian ngắn, hãng này đã trả lại toàn bộ các máy bay thân rộng bay đường dài đi châu Âu, Úc, ngừng bay tất cả đường bay quốc tế thường lệ khu vực. Các chuyến bay nội địa của hãng cũng cắt giảm mạnh tần suất kể từ ngày 28.10. Đơn cử, chặng Hà Nội - Côn Đảo từ 3 chuyến/ngày xuống còn 1 - 2 chuyến/ngày, chặng Hà Nội - TP.HCM từ 11 chuyến/ngày xuống còn 7 chuyến/ngày; một số chặng bay từ TP.HCM đi Hải Phòng, Phú Quốc chỉ còn 1 chuyến/ngày...
Từng mở rộng đường bay trong nước và quốc tế với 6 máy bay, Vietravel Airlines thu hẹp đội bay xuống còn 3 máy bay, kèm với đó là giảm quy mô mạng bay và tần suất khai thác các đường bay hiện có.
Theo kế hoạch năm 2023 của Cục Hàng không VN, tổng số lượng máy bay của các hãng là 230 chiếc vào các tháng đầu năm và cuối năm lên 250 chiếc. Tuy nhiên, đến nay số máy bay tiếp tục sụt giảm. Dữ liệu thống kê máy bay từ trang Planespotters, hiện tại các hãng hàng không nội địa VN đang khai thác khoảng 204 chiếc. Số lượng máy bay có thể thay đổi liên tục do thời gian thuê, trả máy bay…
Lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, sau một thời gian dài bị tác động của dịch Covid-19, các hãng hàng không VN nói riêng cũng như thế giới nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với VN, mặc dù thị trường hàng không đang dần hồi phục nhưng hệ lụy của Covid-19 (thiếu nhân lực hàng không hậu đại dịch, một số quốc gia chậm mở cửa…) cùng với các vấn đề mới phát sinh như xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu hàng không tăng cao khiến kết quả sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không VN đều không được như kỳ vọng, doanh thu không bù đắp được chi phí.
Để tồn tại, ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm cơ hội phát triển, các hãng hàng không VN đã phải thực hiện nhiều giải pháp từ tái cơ cấu tài chính, đội tàu bay, bộ máy tổ chức cho đến phương án kinh doanh...; trong đó việc tái cơ cấu tài chính, bổ sung nguồn vốn, dòng tiền, cắt giảm chi phí được coi là giải pháp quan trọng nhất.
Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways cũng đã thực hiện các giải pháp này và chú trọng vào việc tổ chức lại mô hình hoạt động, tái cấu trúc lại đội tàu bay qua việc giảm quy mô khai thác, trả các tàu bay không phù hợp và dừng khai thác các đường bay kém hiệu quả. Theo kế hoạch, đội tàu bay của Bamboo Airways sẽ giảm từ 29 chiếc xuống còn 11 - 13 chiếc trong giai đoạn tới. Vietravel Airlines tiếp tục duy trì đội tàu bay 3 chiếc và có kế hoạch bổ sung lên 5 - 7 chiếc.
Lo giá vé máy bay tăng vọt
Thông tin về tình hình phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán, phía nhà chức trách hàng không cho biết: Trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 25.1 - 24.2.2024, tức từ 15 tháng chạp - 15 tháng giêng âm lịch), các hãng hàng không VN dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8%. So với lịch bay thường lệ mùa đông 2023 - 2024, tải cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa tăng tương ứng lần lượt 17% và 69%. Với lượng tải cung ứng này, các hãng hàng không VN dự kiến sử dụng 213 tàu bay.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không VN sẽ triển khai thêm các giải pháp để ổn định thị trường trong giai đoạn tới như: Báo cáo Bộ GTVT sớm ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa; hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác thông qua việc tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn; báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm một số loại thuế, phí cho đến hết năm 2024…
Các biện pháp ổn định thị trường của Cục Hàng không VN vô tình lại khiến người dân hoang mang hơn. Bởi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mới nếu được ban hành, đồng nghĩa trần giá vé máy bay sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng tùy từng chặng bay. Trong đó, một số đường bay "hot" nhất dịp tết như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Thanh Hóa có thể tăng lên mức 4 triệu đồng/chiều.
Thực tế, dù mở bán từ rất sớm, nhiều chặng bay vẫn hiển thị còn chuyến, nhưng giá vé đã tăng lên mức kịch trần. Đơn cử, chặng TP.HCM - Hà Nội bay ngày 6.2.2024 (nhằm 27 tháng chạp) giờ chỉ còn 3 chuyến bay đêm của Vietjet có giá xấp xỉ 3 triệu đồng/chiều; hơn 20 chuyến bay còn lại của hãng đều còn chỗ nhưng giá dao động từ gần 3,2 đến gần 3,6 triệu đồng/chiều. Bamboo Airways chỉ có 7 chuyến bay trong ngày và không chuyến nào có giá vé thấp hơn 3,6 triệu đồng/chiều. Gần 10 chuyến bay trải đều từ 8 - 15 giờ ngày 27 tết của Vietnam Airlines chỉ còn hạng thương gia với giá vé gần 10 triệu đồng/chiều; các chuyến còn lại cũng không còn giá vé dưới 3,6 triệu đồng/chiều. Đặc biệt, toàn bộ các chuyến bay của Vietnam Airlines chặng TP.HCM - Đà Nẵng từ 25 - 29 tháng chạp âm lịch chỉ còn vé hạng thương gia, giá gần 5 triệu đồng/chiều.
Giật mình khi thấy một số chuyến bay chiều từ Đà Nẵng về TP.HCM đã hết vé phổ thông, nhưng tới tháng 10 vừa rồi, chị Quỳnh Thanh (ngụ Q.3, TP.HCM) vẫn quyết không mua vé tết sớm bởi theo kinh nghiệm đúc kết nhiều năm của chị "mua sớm hay muộn thì cũng đắt như nhau, thậm chí mua sát ngày có khi còn lợi hơn mua sớm". Như năm ngoái, chị Thanh mua vé trước 3 tháng, vé khứ hồi về Đà Nẵng hơn 5 triệu đồng/người nhưng gia đình người bạn sau đó mua trước tết 1 tháng mà còn được vé rẻ hơn vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng, với những diễn biến mới của thị trường hàng không hiện nay, chị Thanh cũng bắt đầu nao núng: "Chắc chắn các hãng sẽ tiếp tục tăng cường vé nên tôi không lo thiếu chỗ, chỉ sợ năm nay ít hãng khai thác hơn, lại bổ sung cùng đợt tăng trần thì giá vé sẽ cao hơn. Nếu đẩy lên kịch trần thì vé về Đà Nẵng sẽ lên tới 2,7 - 2,8 triệu đồng/chiều. Trung bình gia đình 4 người về quê ăn tết hết hơn 20 triệu đồng tiền vé máy bay, số tiền lớn cho 1 năm kinh tế khó khăn như năm nay".
Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có hãng hàng không nào thông báo kế hoạch đợt bổ sung vé tết. Hãng nào cũng dự báo nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết Âm lịch 2024 sẽ tăng cao so với năm 2023 và khuyến cáo hành khách mua vé sớm.
"Nhờ" đường sắt, đường bộ giúp sức
Song song với các giải pháp bảo đảm năng lực vận chuyển của các hãng hàng không, lãnh đạo Cục Hàng không VN cũng báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các DN đường sắt, đường bộ tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Thế nhưng vận tải hành khách bằng đường bộ khu vực miền Nam năm nay cũng bất ngờ gặp xáo trộn. Sau khi nhà xe Thành Bưởi ngưng hoạt động, các địa phương đã phải huy động hàng trăm chuyến xe tăng cường chặng TP.HCM đi Đà Lạt, Cần Thơ; lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng khẳng định sẽ tăng cường điều phối xe đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên các tuyến này, song thực tế Bến xe Miền Đông mới đã ghi nhận tình trạng hành khách ùn ứ vào giờ cao điểm do năng lực vận chuyển của các DN chưa đáp ứng kịp thời. Sau đó, Công ty CP xe khách Phương Trang cũng đã phải xin bổ sung thêm 20 xe để phục vụ trung chuyển hành khách từ các quận, huyện và ngược lại. Vì thế, rất nhiều hành khách quê ở Lâm Đồng, Cần Thơ nhiều năm qua đã quen đi xe của Thành Bưởi nay đang lo lắng dịp cao điểm tết sắp tới hoặc thiếu xe, khan vé, giá vé tăng cao; hoặc sẽ phải chấp nhận bị nhồi nhét, phải đi xe dù, bến cóc để được về quê.
Liên hệ với Sở GTVT TP.HCM, đơn vị này thông tin đang cùng các bến xe, DN xây dựng kế hoạch điều tiết, tăng cường phương tiện phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2024, trên tinh thần đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về ăn tết. Dự kiến trong tháng 12, các bến xe sẽ triển khai kế hoạch bán vé tết.
Trong khi đó, ngành đường sắt vẫn chưa ghi nhận "nóng" vé tàu Tết Nguyên đán. Sau 3 ngày đầu "bán vèo" khoảng 41.000 vé tết, sức mua có dấu hiệu chững lại và đến nay mới bán được khoảng 70.000 vé. Hiện nay, vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 còn nhiều ở tất cả các tuyến, các ngày. Do nhu cầu chưa có dấu hiệu tăng cao nên ngành đường sắt vẫn chưa có kế hoạch bổ sung, tăng cường chỗ.
Đường sắt mở bán vé tàu Tết Dương lịch 2024 tuyến phía nam
Từ 10.11, tuyến TP.HCM - Hà Nội mở bán vé các đôi tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8. Tuyến TP.HCM - Đà Nẵng bán vé tàu SE21/SE22. Tuyến TP.HCM - Nha Trang bán vé đôi tàu SNT1/SNT2. Tuyến TP.HCM - Quy Nhơn bán vé tàu SE30 từ TP.HCM đi Quy Nhơn, chạy các ngày 28, 29.12; tàu SE29 từ Quy Nhơn đi TP.HCM, chạy các ngày 31.12 và 1.1.2024. Tuyến TP.HCM - Phan Thiết bán vé tàu SPT2 từ TP.HCM đi Phan Thiết; tàu SPT1 từ Phan Thiết đi TP.HCM, chạy các ngày 29, 31.12 và 1.1.2024. Ngoài ra, khi nhu cầu của hành khách tăng cao, đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm tàu để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.
Dịp này, ngành đường sắt vẫn áp dụng giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội như: mẹ VN anh hùng, thương binh, người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật, người cao tuổi, sinh viên, trẻ em, đoàn viên công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng… Đối với hành khách mua vé khứ hồi, áp dụng chính sách giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.
Các giải pháp ổn định thị trường hàng không VN
- Báo cáo Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
- Hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác thông qua việc tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn, dừng các hợp đồng cho thuê tàu bay để lấy lại tàu bay (VietJet lấy lại tàu bay cho Thai VietJet thuê); kéo dài thời gian khai thác hằng ngày của đội tàu bay, tăng cường khai thác khung giờ đêm đến các cảng hàng không.
- Tiếp tục làm việc với các nhà chức trách hàng không Úc, Ấn Độ để đàm phán tăng tải cung ứng giữa VN và các quốc gia này.
- Báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ DN về giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm một số loại thuế, phí cho đến hết năm 2024; chính sách hỗ trợ lãi suất với DN trong ngành hàng không; chính sách cơ cấu nợ vay theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đến hết năm 2024 và cơ chế, chính sách về bảo lãnh ngân hàng với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không trong các hoạt động giao dịch và thanh toán.
(Cục Hàng không VN)