Nhìn thêm bức vách trống trơn,ốicủacô100 mẫu mộ đẹp không một tấm bằng khen, không cờ lưu niệm cho chuỗi đời dài đi dạy, cô gái càng tin cô Xanh không thể là nhân vật cho chuyên mục mình đang phụ trách.
- Sao cô không treo bằng khen, giấy khen gì lên cho đẹp?
Cô gái không giấu được những phán đoán, thăm dò của nghề phóng viên.
Cô Xanh cười:
- Cô thích vậy, nhìn cho thoáng con ạ.
Cô gái cần tìm một nhân vật giáo viên về hưu cho số lên hình tháng tới. Chuyện đời chuyện nghề ai mà không có, cô Xanh cũng có. Nhưng nước mắt của mình nhiều khi chảy ngang dòng nỗi niềm của người khác, khơi lại lỡ làm họ ướt má, thành ra tội lỗi.
Cô gái về, cô Xanh nhìn lại bức tường. Bức tường như cái đồi trọc nơi xưa. Ừ, trống trơn, nhìn nhẹ nhàng dịu mắt nhưng biết đâu người ta nhìn vào lại thấy nhợt nhạt, hoang tàn, gợi cho họ u buồn. Hay là…
Đêm nằm chờ tiếng xe của Khải, cô nhớ ra trong thùng dưới gầm giường mình có tranh học trò vẽ, có bản nháp để luyện chữ đẹp. Các con ghi chú rõ ràng: Kính tặng cô Xanh. Nếu treo lên cũng đáng tự hào.
Xe của Khải về tới ngã ba thì giảm tốc độ, ấn còi binh binhrồi rẽ trái, lướt ngang nhà cô Xanh thêm tầm 30 mét thì dừng lại. Xong một ngày của Khải.
Đèn xe lướt ngang quét một vệt sáng ngoài cửa kính, trong tích tắc thôi, nhưng nó như tia phép mang tên an lành, chỉ cần lóe lên là cô Xanh được chìm vào bình yên đến lạ.
***Ngày ấy, nhà cô nằm trên một con dốc, cao cao vừa phải. Nhà cô nhỏ xinh. Sau giờ tan lớp, cô đi nhanh về cùng con gái ngồi trên khúc gỗ ở hiên nhà, nhìn xuống và vẫy chào đáp lại từng nhóm trẻ nhởn nhơ dưới đường.
Chiều nọ, cô về đến chân dốc thì chồng cô đang hí hửng đi xuống. Anh bảo cô nấu cơm đi, anh vào rẫy chút rồi về.
- Chờ chút anh về!
Cũng hay thế, hôm thì anh nấu trọn vẹn, hôm thì cô nấu tiếp, cũng có khi mình cô nấu hết, rồi cả nhà cùng ăn.
Nhưng lần này một chút của anh dài đến đêm hôm. Cô, đàn ông, trai tráng đốt đuốc đi tìm. Cô nhớ từng thấy người bị ong đốt vào cổ, rồi bị phù nề, khó thở. Cô nhớ có người bị rắn cắn, thân người tím tái, co giật. Người ta nhớ có người đang cuốc đất thì lặng lẽ lụi dần, nằm xuống bất động bên nông cụ... Nên họ soi đuốc vào từng bụi cây, rãnh đất. Họ đi sâu vào rừng, rồi tản rộng ra tìm.
Họ chỉ ai về nhà nấy khi có thanh niên ngập ngừng nói: Thấy anh nhảy lên xe máy, quá giang người ta xuống dưới kia mất rồi.
- Anh mang túi vải căng tròn.
Cô lắc đầu:
- Không thể! Lúc đó anh đi tay không.
Người thanh niên lí nhí.
- Đến hai túi… Túi của anh và của người phụ nữ đi cùng.
Cô ngồi suốt đêm ở khúc gỗ trước nhà, lưng dựng đứng nhìn xuống đường. Con đường vắng tanh, đến lúc trăng lên, ở tít xa hướng anh đi cũng không thấy bóng ai quay về. Đứa con gái nhỏ gối đầu lên đùi cô ngủ thiêm thiếp, thi thoảng ê a trong miệng vì bị đau mình, khó chịu.
Tháng sau mưa về. Từng khóm cỏ mọc lên dày mặt dốc, cô kiên trì cuốc hết để không bị che tầm nhìn.
Chiều chiều cô Xanh vẫn ngồi trước nhà, khúc gỗ này mục thì thay khúc gỗ khác. Có lúc cô vẫy chào đáp lại bọn trẻ ngang qua, có lúc không - khi ấy cô bận nhìn thật xa xuống kia.
Cũng trong những chiều đó, đứa con ủ dột đến nép vào lòng mẹ thì cô phát hiện con mình bị sốt. Con bé sốt mấy ngày liền, trạm xá nơi đó chưa đủ điều kiện khám và chữa, cô vội vàng tìm xe về quê. Nhưng không kịp. Cô không cần ghé bệnh viện nữa mà đi thẳng về nhà mẹ. Cô ôm con và rũ rượi gục vào lòng mẹ mình.
Hai tuần sau cô trở lên trường.
Cũng khoảng thời gian ấy có người lên hỏi: Chỗ này có chuyện gì hay hay không cô? Cô nói: Cũng có...
Rồi những chuyện cô kể giúp mang lên đấy trường mới, lớp mới. Ngón tay gầy gầy của cô chỉ về hướng cái nhà gỗ tọp tẹp, cô nghèn nghẹn nói: thuốc hạ sốt nhiều khi không còn một viên. Ba tháng sau cái nhà gỗ đó thành cái trạm xá đúng nghĩa: kiên cố, có người, có thuốc, có giường…
Một chiều nọ vừa tan lớp, người ta chạy đến nói: Chồng cô về rồi.
Anh không về nhà của hai người mà ở chỗ cái chòi trong rẫy. Cô vù chạy vào rẫy. Cô thụp chân xuống hố, cô nhảy qua bụi cỏ, cô gần như hết hơi vì cứ chạy nhấp nhô, nhấp nhô trên lối đi chưa mòn hẳn.
Cô đứng chết trân trước căn chòi. Khói bếp còn vương vất trên mái lá. Vài bộ đồ đang vắt lên vách. Chắc anh đã về vài hôm. Người phụ nữ một tay nâng bụng bầu, tay vịn bàn từ từ ngồi xuống.
Anh nhìn cô hồi lâu rồi ngượng ngùng:
- Ăn cơm chưa?
Cô ráng thở để không chết vì mệt. Cô không nhớ mình có trả lời anh chưa, chỉ nhìn cái bàn xiêu vẹo, cơm ít ỏi, biết không đủ cho ba người, nên cô đi về.
Lúc đi ra cũng vậy, đường nhấp nhô nghiêng ngả, thêm cả trời chạng vạng nên cô khuỵu xuống đôi ba lần.
Từ đó ít thấy cô ngồi trước hiên nhà. Con dốc thì cứ thế trơ trọi không bụi cỏ ngọn cây nào mọc lên, chắc nó hờn dỗi cô năm xưa cào cuốc mạnh tay. Cái dốc trống trơn thì thoáng đãng, dễ chịu, nhưng nó cũng dễ thấy về hướng rẫy, chiều chiều khói bếp cuộn lên, ngột ngạt lòng người.
Hôm đó cô đón chào đồng nghiệp mới, rồi cả nhóm cùng nhau qua trạm y tế phụ tiếp nhận thêm dụng cụ y khoa thì gặp anh đưa người kia đến chuẩn bị sinh con. Với điều kiện hiện tại, việc sinh nở hẳn là an toàn hơn nhiều.
Ngày về, anh chỉ ngượng ngùng hỏi cô: Ăn cơm chưa, đến tận bây giờ vẫn không hỏi: Con đâu em.
Cô chần chừ một lúc lâu rồi quay sang hỏi vị lãnh đạo phòng:
- Em về nhé?
Trường mới đã có, trạm y tế cũng đủ đầy, đường rộng hơn... Giờ không mợ thì chợ cũng đông.
Ừ em - Ông nhìn cô đầy trân quý.
Cô về, dưới xa lắm, với mẹ với con.
Không chọn dạy ở gần nhà mẹ ruột, cô sang huyện bên. Cô biết khung trời nào cũng có vui có buồn, để người nhà thấy mình ướt mắt thì không nên.
Đồng nghiệp trẻ đều năng động, giỏi giang, cô phải đuổi theo thời cuộc bằng cả tấm lòng, phải mất vài năm cô mới thích ứng với đổi thay, cải cách.
Bằng khen, giấy khen dành cho cô cũng mới mon men được ký thì cuộc đời lại không cho phép.
Vào tiết học, bé gái chạy lên mách:
- Bạn Khải trốn học đi chơi rồi cô.
Cái trường xã nằm trơ giữa bốn bề đồng ruộng, bọn trẻ lâu lâu cao hứng lại rủ nhau bỏ học đi tắm sông, trộm trái. "Lại là Khải và đồng bọn" - giáo viên hay mắng yêu như thế với nhóm trẻ năng động này. Cô nghĩ: "Bọn này lại nghịch".
Nhưng lần này cái tinh nghịch thành nghịch cảnh đớn đau. Đứa tám tuổi trong nhóm ấy bị đuối nước, vĩnh viễn rời xa trường lớp. Trong hỗn cảnh khóc than, có ai đó chợt xen vào ý nghĩ: Lỗi tại ai? Đám trẻ tinh nghịch bỏ học đi chơi thì trách ai bây giờ? Nhưng lúc đó ai đứng lớp, sao không đi tìm? Cô Xanh có sai không?
Người lên tiếng xin lỗi trước chắc là người sai? Nhìn đứa trẻ bằng tuổi con mình đang nằm im lìm dưới hai ba lớp vải, nhìn người mẹ tuổi ngang mình đang rũ rượi ôm chân giường gào khóc. Cô Xanh nấc lên hai tiếng: Xin lỗi… rồi ngưng nghẹn. Thằng Khải đang đứng líu ríu giấu mặt vào người cô cũng òa khóc theo.
Không ai trách hờn gì thêm, nhưng từ ngày ấy cô đi về lặng lẽ. Vẫn là công việc, vẫn là trách nhiệm nhưng cứ yên ắng lạ thường.
Có người đàn ông bước đến hỏi cưới cô. Anh là cậu ruột của thằng bé đã mất kia, anh nói hôm đó thấy cô suy sụp mà thương cảm, rồi để ý.
Không biết vì mặc cảm tội lỗi nên muốn bù đắp, không dám chối từ. Hay vì tự thấy sống độc thân là kỳ cục, ngày ngày đến lớp mà nét mặt không vui, ánh mắt nhiều ẩn uất, đớn đau sẽ thành gương xấu cho bao thế hệ trẻ thơ. Hay chỉ đơn giản là thấy đối phương vừa mắt vừa lòng. Mà cô đã nhận lời. Nhưng rõ ràng: bận rộn với yêu thương, cô thấy mình thêm hữu dụng. Yêu một ai đó và cho phép ai đó yêu mình không chỉ là cảm xúc mà còn là trách nhiệm thiêng liêng.
Cuộc sống cứ thế bình yên.
Rồi chồng cô đi trước, đi nhẹ nhàng thanh thản. Cô Xanh xin nghỉ hưu sớm, rút về mái nhà nhỏ với công việc may vá, sửa áo quần, với những an yên trong lòng do tự mình dựng xây.
Vài năm sau, ba mẹ của Khải cũng ra đi đột ngột, trong đớn đau vật vã.
Khải khi ấy ngồi trên xe cấp cứu nắm chặt bàn tay của hai người thân yêu trong đời mình, trân mắt nhìn ra biển người chật kín bốn bên. Tiếng còi xe cứ hú lên ai oán. Khải tung cửa xe nhảy ra kêu van: làm ơn… làm ơn…Người ta cũng muốn làm ơn, nhưng khoảng không lúc ấy đã chật kín.
Khải trở lại xe nắm lại hai bàn tay kia, thì đã thấy lạnh ngắt.
- Con không bao giờ quên cái giây phút bất lực đó.
Có những hôm đi làm về, thấy nội đang đi chơi, đi uống trà ở nhà hàng xóm, Khải lại tí tởn chạy sang nhà cô Xanh ăn ké chén cơm, mè nheo miếng bánh.
Có hôm nội nói với cô Xanh:
- Khải muốn lái xe chở người bệnh. Nó học bằng lái rồi đó. Sau này tui chết, thì cô động viên nó lấy tiền phúng điếu đó mà mua xe nha.
Cô Xanh không đợi ngày đó. Cô chọn lãnh tiền lương hưu một lần.
- Có cơ hội thì làm đi con!
Hay tin chú lái xe năm xưa chở cha mẹ của Khải định bán xe nghỉ lái, về mở quán cơm thì cô Xanh cầm tiền sang đưa Khải. Thằng thanh niên lại òa khóc như hôm đi đám tang bạn cùng lớp.
Nhận xe xong trong tay vẫn còn mấy chục triệu, Khải định bụng mang về đưa lại cô Xanh dằn túi phòng khi có bệnh. Ai ngờ đang bon bon trên đường thì gặp thằng say, nó thấy dòng chữ "Xe chở người bệnh" thì tự dưng chướng mắt, liền chặn đầu xe ném liên hồi hai ba cục đá, rồi lao đi trốn.
Thay kính xe xong thì sạch luôn mấy chục triệu trong túi. Như đứa con bị đời vùi dập thì về mách mẹ, Khải vừa buồn vừa uất chạy sang nhà cô Xanh.
- Gặp kẻ xấu mà không bị thương là mừng rồi - Cô mừng thật lòng.
Khải ngày ngày chở người bệnh đi và chở cả người trở về nhà lần cuối. Nhà nào có điều kiện thì Khải lấy đúng giá, nhà nào khó khăn hay suy sụp trước mất mát thì anh lặng lẽ quay xe rời đi.
Lâu lâu anh mang vài trăm, một triệu sang trả cô Xanh, cho cô có tiền xài. Thấy Khải áy náy vì tiền kiếm được còn phải chia ra lo cho nội, cô Xanh đùa thật lòng:
- Mai mốt cô bệnh, chở cô miễn phí là được.
Mỗi lần Khải trả nợ, cô đều ghi vào sổ tay.
Ngày 17/5, Khải trả 1 triệu.
Ngày 20/9, khải trả 8 trăm…
Khải biết là cô cố tình làm vậy, cho Khải vui, cho hợp với tính tự ái của bọn đàn ông.
* * *
Sáng nay Khải nghỉ một hôm, sang phụ cô Xanh dọn dẹp trong ngoài và trang trí lại bức tường. Trong thùng giấy, trong những túi nilon bọc kín, rõ ràng cũng có nhiều kỷ niệm đẹp của quãng đời đi dạy. Rất đáng giá để trang trí lên con dốc nghiêng nghiêng của mỗi đời người.
Lau bụi cho bức ảnh trắng đen của bé gái trên bàn thờ, Khải khe khẽ nhắc lại:
- Bằng tuổi con cô nhỉ?
- Ùm, bằng.
Trên bàn thờ có sổ tay ghi nợ của Khải. Anh tinh nghịch mở ra từng trang, dẫu biết chắc chắn là cả đời này sẽ không trả hết nợ cho cô Xanh, nợ yêu thương, nợ áo quần, nợ cơm, nợ nước, nợ mấy trăm triệu…
Rồi anh mở đến trang cuối của quyển sổ:
Ngày… tháng… năm…, Khải đã trả hết nợ.
Cô Xanh tính trước, đến ngày cô ra đi thì coi như Khải đã trả xong nợ. Trang cuối này rành rành câu chữ, là bằng chứng cô tạo nên để không ai phải thắc mắc gì thêm.
Từng cơ mặt của Khải dần run lên, hai môi đã cố nghiến chặt nhưng vẫn bật lên tiếng cảm thán khe khẽ: Ôi, mẹ ơi…
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹplần thứ 3 của BáoThanh Niênđề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trangSống đẹpcủa BáoThanh Niên.